PHẦN I: BIỆN PHÁP THI CÔNG HỆ THỐNG ĐIỆN - revit mep huy hoang

REVIT MEP HUY HOANG

Revit mep Huy Hoang chia sẻ, hướng dẫn thực hành triển khai các bản vẽ thi công, shopdrawing bằng phần mềm Revit, Autocad...và chia sẻ, review cuộc sống hàng ngày.

C:\Users\tuyen\Desktop\SCAN\0. Ảnh công trình

REVIT MEP HUY HOANG

REVIT MEP HUY HOANG
Revit mep Huy Hoang chia sẻ, hướng dẫn thực hành triển khai các bản vẽ thi công, shopdrawing bằng phần mềm Revit, Autocad...và chia sẻ, review cuộc sống hàng ngày.

Sunday 19 May 2024

PHẦN I: BIỆN PHÁP THI CÔNG HỆ THỐNG ĐIỆN

 

PHẦN I: BIỆN PHÁP THI CÔNG HỆ THỐNG ĐIỆN

I. BIỆN PHÁP THI CÔNG ỐNG LUỒN DÂY PVC, ĐẾ ÂM.

1. Tiêu chuẩn áp dụng

-   TCVN 9207:2012 Tiêu chuẩn đặt đường dẫn điện trong nhà ở và công trình công cộng.

2. Công tác chuẩn bị nhân công, thiết bị

-       Nhân lực được bố trí tùy theo tiến độ thi công chi tiết.

-       Công nhân thi công phần ống luồn cho điện sẽ được chia theo từng đội, nhóm.

      + Mỗi đội từ 10 đến 20 người.

      + Mỗi nhóm từ 2 đến 5 người.

-       Chuẩn bị dụng cụ, thiết bị, phương tiện thi công.

3. Công tác thi công.

3.1. Xác định vị trí:

-       Sử dụng máy Laser và thước mét xác định tọa độ tuyến ống luồn. Căn cứ vào bản vẽ triển khai để định vị tuyến đi của hệ thống ống luồn dây nổi trên trần và âm trong tường.

-       Định vị chính xác và căn cứ vào vị trí công tắc, ổ cắm để căn chỉnh toàn bộ ống đi âm tường một cách hợp lý.

3.2. Lắp đặt ống:

Đặc thù tại dự án là thực hiện thi công cuốn chiếu từ dưới lên trên kết cấu tường gạch, sàn, dầm bê tông đổ tại tại dự án. Do đó, phần lắp đặt ống được chia thành ba hình thức lắp đặt:

-       Ống đi âm tường.

-       Ống đi nổi trên trần giả trong căn hộ, hành lang, trần tầng hầm.

-       Ống đi âm sàn tại những vị trí đặc biệt do trần giả thấp hơn dầm biên bê tông (do không được cắt đục ảnh hưởng đến cấu kiện). Lưu ý: Hạn chế tối đa công tác đi ống âm sàn.

3.3. Lắp đặt ống đi âm tường:

-       Sau khi tường xây xong và chưa tô, bắt đầu thực hiện công tác đặt ống âm tường.

-       Định vị tuyến ống, bật mực lấy dấu trên tường.

-       Sử dụng ống luồn đi ngầm tường theo phương thẳng đứng đúng với vị trí thiết bị hoặc ngang vuông góc với mép tường.

-       Kiểm tra các điểm tham chiếu cần thiết thì có sẵn cho cao độ sàn.

-       Đánh dấu vị trí đế âm công tắc, ổ cắm và tuyến ống luồn ở cao độ phù hợp theo như bản vẽ thi công đã được phê duyệt.

-       Đảm bảo kích thước đế âm và cắt một lỗ có kích thước lớn hơn một chút so với kích thước hộp được đánh dấu vị trí trên tường với độ sâu vừa đủ.

-       Trước khi cắt đục phải phun nước vào nơi đã đánh dấu.

-       Bắt đầu cắt vị trí đánh dấu để lắp đặt ống điện sử dụng máy cắt, đục và búa sau khi cắt.

-       Tất cả các chỗ nối ống phải được dùng keo kết dính.

-       Sau khi xác định được vị trí ống nổi từ trần đi âm tường đi xuống đế âm ổ cắm, công tắc, tủ điện, ta tiến hành cắt thẳng trên tấm tường, tùy theo số lượng ống sẽ có độ rộng cắt tường khác nhau. Nếu có nhiều ống đi trên một tuyến thì các ống phải được lắp cách nhau một khoảng bằng ½ đường kính ống, khoảng cách ống ngoài cùng đến mép tường cắt sẽ bằng một khoảng ½ ống.

-       Cố định đế âm với kích thước và cao độ thích hợp bằng thước thủy.

-       Các ống sẽ được cố định chắc chắn bằng kẽm.

-       Phải được nghiệm thu đặt ống âm tường, vách trước khi vá.

-       Dùng vữa chèn chặt và tô trác phủ áo tuyến ống.

-       Ống kết nối vào đế âm bằng đầu nối ren.

-       Trước khi tô hoàn thiện bề mặt tường, dùng lưới mắt cáo bao phủ tuyến ống để tránh tình trạng rạng nứt tường, khoảng cách lưới cách mép đường cắt đến mỗi bên là 150mm.

-       Đế âm đặt tại vị trí tường vách mép ngoài bằng mặt tường hoàn thiện và âm vào ≤1cm.

-       Tất cả các hộp đấu nối âm tường cần phải được che nắp tôn bên ngoài để tránh vữa, bụi bẩn …

 

 

Text Box: Rán lưới


 

3.4. Ống đi nổi trên trần:

-       Định vị các tuyến ống theo kích thước bản vẽ thi công được phê duyệt bằng máy bắn Laser. Dùng hộp dây bắn mực để đánh dấu tuyến ống theo máy bắn.

-       Định vị các hộp box đèn, box trung gian: dùng bút lông lấy dấu theo tuyến ống đã bắn mực.

-       Đánh dấu sơn các lộ ống (chiếu sáng, ổ cắm,…).

-       Sử dụng ống cứng đi nổi trên trần. Các ống nằm cạnh nhau được bắn song song và khoảng cách giữa tim 2 ống là 4-8cm. Tại những vị trí của góc, ống được bẻ uốn vuông góc và kết nối vào ống âm tường bằng măng xông trơn.

-       Khoảng cách bắn kẹp C trên 1 tuyến ống thẳng là ≤ 1,2 m / 1 kẹp C. Tại những vị trí rẽ nhánh và thả đầu chờ dây đèn, ta dùng box chia 2, 3, 4 ngã để chia nhánh cho các tuyến ống và thả dây chờ.

-       Tại những vị trí như tủ điện căn hộ hoặc vị trí có nhiều tuyến ống giao nhau tại 1 điểm cho cùng phụ tải, cùng lộ được gắn lại hộp nối dây để thuận lợi cho việc lắp ống, kéo dây và phân biệt các tuyến ống.

-       Tại các vị trí cần uốn ống, được sử dụng các thiết bị, lo xo chuyên dụng để uốn ống. Tránh không cho ống bị gãy gập.


-       Với khu vực dưới hầm ống đi vuông góc với dầm.


-       Sau  mỗi lần lắp đặt xong 1 tuyến ống người thi công có trách nhiệm dùng bản vẽ thi công kiểm tra cẩn thận để đảm bảo không nhầm lẫn giữa các tuyến ống khác với nhau, sau đó đánh dấu tuyến ống để đảm bảo không nhầm lẫn.

-       Các ống điện các hệ thống khác nhau phải được sơn màu kẹp C khác nhau để dễ phân biệt. Tùy theo thống nhất của của CĐT, TVGS sẽ sử dụng loại màu thích hợp để sơn kẹp C cho ống điện.

-       Cấp nguồn màu vàng, điện nhẹ màu xanh lá, chiếu sáng màu trắng, điều hòa màu đen.


 

3.5. Ống đi âm sàn:

-       Công tác vệ sinh ống đặt âm theo TCVN 9207/2012.

-       Định vị tuyến ống theo bản vẽ thi công được phê duyệt. Dựa trên các trục, dùng thước dây, bút xóa, sơn để làm dấu và đánh dấu những vị box đèn, trung gian, vị trí ổ cắm.

-       Tiến hành đặt ống, các ống nối với nhau dùng bằng nối trơn có cùng kích thước ống. Dùng keo dán để kết nối ống và dùng kẽm cố định ống vào kết cấu thép, khoảng cách các vị trí cố định từ 1000mm đến 1500mm. Những vị trí đặt box, xốp chờ phải dùng sắt cố định thêm để chắc chắn không bị lệch trong quá trình đổ bê tông.

3.6. Cách lắp đặt đế âm:

-       Dùng máy Laser dẫn cos từ điểm cos của nhà thầu xây dựng bàn giao vào vị trí lắp đặt đế âm.

-       Dùng hộp búng mực vạch những đường cos đã dẫn vào tại vị trí đặt đế âm.

-       Dùng thước định vị vị trí đế âm theo bản vẽ thi công được phê duyệt, kích thước đừng cắt rộng hơn kích thước đế âm sử dụng 10mm.

-       Dùng máy cắt tường cắt vị trí đã định vị, dùng máy đục đục vị trí đã cắt.

-       Đế âm trước khi chôn vào tường gắn đầu rắc co vào để kết nối các tuyến ống âm tường vào theo bản vẽ thi công được phê duyệt.

-       Dùng nước tưới vào vị trí chốn đế để tăng độ kết dính khi chôn đế vào, dùng vữa trộn để chôn đế âm. Canh chỉnh vị trí đế âm (cao độ, kích thước) theo bản vẽ thi công được phê duyệt.

-       Dùng thước thủy căn chỉnh đế âm chính xác, ta dùng vữa xi măng chôn chặt cố định đế âm. Mặt đế âm phải chôn ≤ 10mm so với tường hoàn thiện.

3.7. Bảo vệ ống luồn, đế âm, hộp nối:

-       Đối với các ống luồn dây trên tường có đầu để chờ sẽ dùng băng dính trắng quấn bịt kín các đầu ống để không để vật liệu lọt vào phía trong gây tắc ống.

-       Với đế âm, hộp nối ta bịt kín để không cho vật liệu rơi vào.

3.8 Quy trình kiểm soát chất lượng:

-       Kiểm tra và hoàn thiện đường ống đã lắp đặt xong: cách bố trí, hướng đi, thứ tự lớp ống, khoảng cách giữa các ống.

-       Kiểm tra độ chặt các khớp nối ống.

-       Kiểm tra các hư hỏng bề mặt ống.

-       Cân chỉnh, khắc phục các lỗi sau khi kiểm tra.

-       Kiểm tra vệ sinh toàn bộ ống.

4. Công tác nghiệm thu:

-       Nghiệm thu nội bộ - đạt.

-       Gửi giấy mời nghiệm thu với CĐT và TVGS.

-       Nghiệm thu với CĐT và TVGS - đạt.

-       Chuyển sang giai đoạn thi công tiếp theo.

 

No comments: